Lãnh đạo Công Thương cho rằng chống dịch ở các khu công nghiệp, nhà máy là trọng điểm lần này bởi đây là những nơi buộc phải duy trì để không đứt gãy nền kinh tế.
Tại cuộc họp trực tuyến phòng chống dịch với các Sở Công Thương, quản lý thị trường 63 tỉnh, thành ngày 13/5, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, việc chống dịch ở khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, chợ truyền thống... cần phải đặt ở mức cao nhất.
Hiện cả nước có gần 400 khu công nghiệp, 30 khu kinh tế cửa khẩu, 20 khu kinh tế ven biển, tổng lao động trực tiếp ở các khu này là gần 4 triệu người. Lượng lao động tại 700 cụm công nghiệp là khoảng 600.000 người.
"Đây là những nơi tập trung đông người nhưng vẫn bắt buộc phải hoạt động sản xuất, nếu không sẽ dẫn đến việc bị đứt gãy nền kinh tế. Không phòng, chống dịch tốt ở những khu vực này, tình hình sẽ rất căng thẳng", ông An nhận xét.
Ông Trần Ngọc Thực - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh, nơi có 3 khu công nghiệp đều ghi nhận các ca nhiễm, cho biết ngoài truy vết F0, F1, khoanh vùng dập dịch, thực hiện 5K, tỉnh cũng chỉ đạo lập "Tổ an toàn Covid-19" ngay tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Còn tại tỉnh Vĩnh Phúc, ông Trần Quốc Huy - Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Phúc cho hay, đã lập 2 đoàn thanh tra, kiểm tra tại các chợ, các doanh nghiệp. Dựa trên báo cáo nhanh hàng ngày, đoàn kiểm tra chấn chỉnh những địa bàn chưa thực hiện nghiêm.
Trước thực tế dịch đang "tràn" vào các khu công nghiệp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị, từng địa phương, đơn vị có kịch bản, phương án cách ly và xử lý khi có trường hợp mắc, tránh lây lan diện rộng trong các khu công nghiệp, khu thương mại. Đồng thời, ứng dụng công nghệ, sử dụng mã QR Code trong quản lý, kiểm soát chặt chẽ thông tin người lao động, khách hàng đi, đến làm việc tại các khu, cụm công nghiệp ở địa phương;
"Lãnh đạo các khu kinh tế, khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, nhà máy, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, khách sạn, nhà hàng... phải có cam kết bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về phòng, chống dịch", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Tại các doanh nghiệp nhiều lao động như EVN, PVN... cũng đã kích hoạt các kịch bản phòng, chống Covid-19 ở mức cao nhất. Từ 10/5, cán bộ trực vận hành của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), các Trung tâm Điều độ Hệ thống điện ở 3 miền, các nhà máy điện, trạm biến áp 500 kV, các trung tâm điều khiển xa ở các tỉnh, thành phố... tổ chức ăn, ở tập trung tại đơn vị.
Trong khi đó PVN đưa ra nguyên tắc phòng dịch "nhiều vòng, nhiều lớp" tại các doanh nghiệp trực thuộc, nhằm kiểm soát chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn, hạn chế thấp nhất các nguy cơ. Riêng Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã kích hoạt tình huống khẩn cấp phòng chống dịch cấp 1 sau khi Đà Nẵng, Quảng Ngãi có các ca nhiễm Covid-19. Doanh nghiệp này phối hợp với trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ngãi lấy mẫu và xét nghiệm cho 138 người lao động trực tiếp sản xuất. 138 nhân sự được xét nghiệm của BSR âm tính. Sau khi có kết quả âm tính, các nhân sự này mới được đến nhà máy lọc dầu Dung Quất làm việc.
BSR cũng bố trí phòng ở cho khoảng 200 nhân sự trực tiếp vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất để ứng phó trong trường hợp khẩn cấp; xây dựng kế hoạch nhập, lưu trữ hàng hóa thực phẩm đảm bảo cho ít nhất 30 ngày trong trường hợp Quảng Ngãi có dịch bệnh bùng phát nhanh và hàng hóa không được lưu thông.